Suy dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng cơ thể thiếu hụt, dư thừa hoặc mất cân bằng các dưỡng chất cơ bản (protein, glucid, lipid…), năng lượng và các vi, khoáng chất. Trẻ suy dinh dưỡng đề cập đến 3 nhóm phổ biến:
Suy dinh dưỡng gầy còm (cân nặng được tính theo chiều cao của trẻ thấp), thấp còi (chiều cao theo tuổi của trẻ thấp) và thiếu cân (cân nặng theo tuổi của trẻ thấp).
Suy dinh dưỡng do thiếu hụt hoặc dư thừa vi chất và dinh dưỡng (thiếu hoặc dư vitamin và khoáng chất quan trọng).
Suy dinh dưỡng thừa cân, béo phì và các bệnh lý không lây nhiễm, liên quan đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày (bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư…).
PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ SUY DINH DƯỠNG
Trẻ suy dinh dưỡng độ 1: Cân nặng hoặc chiều cao của trẻ <-2SD, đạt 70 – 90% cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi và giới tính; không gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hóa, biếng ăn; lớp mỡ dưới bụng mỏng.
Trẻ suy dinh dưỡng độ 2: Cân nặng hoặc chiều cao của trẻ <-3SD, đạt 60 – 70% cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi và giới tính; trẻ gặp các vấn đề rối loạn tiêu hóa theo đợt, hơi biếng ăn, chậm tăng cân; không có mỡ dưới da ở vùng bụng, mông và chi.
Trẻ suy dinh dưỡng độ 3: Cân nặng hoặc chiều cao của trẻ <-4SD, 60% cân nặng tiêu chuẩn theo độ tuổi và giới tính; suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trên cơ thể.
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng
Tùy thuộc vào loại suy dinh dưỡng mắc phải, trẻ bị suy dinh dưỡng có thể có những dấu hiệu khác nhau như thấp bé so với lứa tuổi, gầy gò hoặc béo phì. Suy dinh dưỡng khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm và có thể gây ảnh hưởng xấu đến bất kỳ cơ quan, hệ thống nào trong cơ thể. Bệnh cũng có thể tác động đến tâm lý, gây lo lắng, tâm trạng thay đổi thất thường và các triệu chứng về tâm thần.
Một số dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ cần lưu ý:
Không tăng cân nặng, chiều cao
Chậm phát triển vận động
Chán ăn
Mệt mỏi, cáu gắt, quấy khóc
Chậm lành vết thương
Bụng chướng to
Chân tay mềm nhão
Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em, phải kể đến như: (2)
•Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con: Nhiều phụ huynh chưa nắm được cách chăm sóc trẻ đúng cách, chiều theo sở thích của trẻ nên thường xuyên cho trẻ ăn các thực phẩm không lành mạnh, trẻ kén ăn, ăn uống không đảm bảo vệ sinh, thức khuya
•Ngừng bú sữa mẹ quá sớm hoặc bổ sung dinh dưỡng quá muộn: Mặc dù sữa mẹ là nguồn dưỡng chất lý tưởng cho trẻ nhỏ nhưng ở mỗi giai đoạn phát triển, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ có sự thay đổi. Vì vậy, nếu mẹ duy trì cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong thời gian dài, sữa mẹ có thể không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của bé, khiến trẻ chậm tăng cân, chậm phát triển, suy dinh dưỡng.
•Trẻ mắc phải các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn và ký sinh trùng đường ruột (giun, sán…): Trẻ gặp phải các vấn đề này thường có các triệu chứng như biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, kém hấp thu dưỡng chất.
•Trẻ mắc bệnh thường xuyên, kéo dài, tái nhiễm nhiều lần: Các bệnh lý đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm, bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm
•Trẻ biếng ăn: Biếng ăn ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý, do không hợp khẩu vị lứa tuổi hay do trẻ gặp các vấn đề về tâm lý, căng thẳng kéo dài
•Một số yếu tố khác: Tập quán lạc hậu, chăm sóc y tế kém, điều kiện gia đình không tốt (nghèo đói, bạo lực…) cũng có thể khiến trẻ tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như thế nào?
Dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho não bộ phát triển và các kỹ năng về thể chất, xã hội, cảm xúc… Ngược lại, suy dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển và có thể gây nên nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt dưỡng chất khiến hệ miễn dịch của trẻ suy giảm, trẻ dễ mắc bệnh, nhiễm trùng và chậm hồi phục sức khỏe hơn so với bình thường.
Cách chẩn đoán đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em
Trẻ bị suy dinh dưỡng có thể được chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất và hỏi về chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ, đo chỉ số BMI hoặc đo chu vi cánh tay của trẻ.
Cách điều trị phục hồi cho bé bị suy dinh dưỡng
Tùy thuộc vào nguyên nhân, độ tuổi, mức độ suy dinh dưỡng của trẻ, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc điều trị này có thể bao gồm các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do suy dinh dưỡng gây ra, bổ sung dưỡng chất bị thiếu hụt, cân chỉnh chế độ ăn uống phù hợp và giải quyết nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ. Truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hoặc nuôi ăn qua ống sonde dạ dày có thể được thực hiện đối với các trường hợp suy dinh dưỡng nặng, trẻ không thể ăn như bình thường.
Chế độ dinh dưỡng được xây dựng để điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ có hàm lượng calo cao, hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của trẻ để hồi phục sức khỏe, giúp cơ thể phát triển toàn diện. Việc thực hiện chế độ dinh dưỡng này có thể kéo dài đến vài tuần mới bắt đầu cho trẻ ăn uống về chế độ bình thường.
Chế độ ăn cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em
Cải thiện chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi giúp tăng hiệu quả điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ và phòng ngừa trẻ bị suy dinh dưỡng tái phát. Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ:
•Cho trẻ ăn uống phù hợp, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất và năng lượng để phục hồi dinh dưỡng và giúp cơ thể phát triển toàn diện.
•Cân chỉnh, tăng năng lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ: đa dạng món ăn trong bữa ăn hàng ngày, tăng số cữ ăn (chia nhỏ cữ ăn để đảm bảo trẻ được bổ sung đủ chất nhưng không quá no, không bắt ép trẻ ăn quá nhiều), cho trẻ uống thêm sữa, ưu tiên thức ăn nhiều năng lượng.
•Chú ý lựa chọn thức ăn phù hợp cho trẻ khi trẻ bị ốm và mới khỏi bệnh.
•Theo dõi cân nặng và cho trẻ khám sức khỏe, dinh dưỡng định kỳ.
Cách phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em
Làm thế nào để ngăn ngừa trẻ suy dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển cao lớn khỏe mạnh?
Để giảm nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ, phụ huynh cần hiểu rõ về vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Một Số lưu ý giúp phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng dưỡng trẻ em:
•Chú ý chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ, tiêm phòng vacxin đầy đủ và khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi; từ đó có phương pháp can thiệp, tư vấn điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp.
•Nên cho trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời bởi sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng, cung cấp dinh dưỡng và các kháng thể thiết yếu.
•Trẻ nhỏ từ khoảng 6 tháng tuổi, phụ huynh nên bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm; nên chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, cân bằng dinh dưỡng và chia nhỏ bữa ăn hàng ngày.